Google đang thay đổi bộ não chúng ta ra sao?
Các nhà nghiên cứu ở California và Illinois (Mỹ) vừa chia sẻ họ nhận thấy Google đang thay đổi cách bộ não của chúng ta ghi nhớ và tư duy ra sao!
Khi chúng ta lên mạng, chúng ta gia nhập vào một môi trường cổ vũ việc đọc lướt, suy nghĩ vội vàng, hấp tấp và một kiểu học nông cạn, hời hợt
Nicholas Carr
"Dân ta phải biết sử ta - Nếu mà không biết thì tra Google", câu ca dao "chế" này thoạt nghe có vẻ tếu nhưng kỳ thực lại phản ánh đúng một thực tế hiện nay, không biết gì cứ lên Google tra, ra hết!
Ngược trở lại với thời chưa có Internet, khi gặp một câu hỏi khó, bạn có thể có vài phương án lựa chọn. Hoặc tìm xem ai trong số những người quen biết câu trả lời. Hoặc tra cứu trong từ điển bách khoa. Hoặc vào thư viện tìm tư liệu…. Dù cách nào thì nó vẫn phức tạp và tốn thời gian hơn so với lựa chọn phổ biến hiện nay của nhiều người, lên mạng "hỏi Google".
Nhờ tiện ích công nghệ, cụ thể là mạng Internet, chúng ta không cần phải lệ thuộc vào trí nhớ lắm khi có thể "phản chủ". Nhưng khi mà tất cả các kiến thức, thông tin cần biết đã có sẵn trên mạng và chỉ cần vài thao tác đơn giản ta đã có được kết quả, phải chăng chúng ta đang ủy thác toàn bộ trí nhớ của mình cho mạng Internet?
Lệ thuộc
Nghiên cứu mới nhất của các học giả tại các đại học ở California và Illinois (Mỹ) nhận thấy, tình trạng lệ thuộc ngày càng tăng vào Internet đang làm thay đổi cách bộ não của chúng ta tư duy và ghi nhớ.
Trong nghiên cứu của họ, hai nhóm tham gia được yêu cầu trả lời một loạt các câu hỏi. Những người ở nhóm một phải dùng trí nhớ tìm đáp án. Nhóm kia được tìm đáp án trên mạng.
Sau đó, cả hai nhóm lại được yêu cầu trả lời một loạt câu hỏi khác, dễ hơn với lựa chọn được dùng Internet. Những người ở nhóm đã dùng Internet trong loạt câu hỏi trước tất nhiên sẽ muốn tiếp tục sử dụng công cụ này lần nữa.
Theo đó, họ không chỉ thích dùng Internet hơn mà còn thao tác nhanh hơn, tốn ít sức hơn để tìm ra đáp án, ngay cả khi câu hỏi rất đơn giản.
Thực tiễn cho thấy một xu hướng rất rõ ràng, sự dễ dàng quá mức trong việc tìm kiếm thông tin trên mạng, chúng ta đang phát triển thói quen không cần phải cố nhớ một điều gì hết.
Cũng theo nghiên cứu này thì Internet rõ ràng không chỉ đang làm thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nó thực sự đang làm thay đổi bộ não của chúng ta.
Tuy nhiên, nếu ai đã đọc công trình nghiên cứu của nhà thần kinh học Michael Merzenich, điều này không có gì ngạc nhiên. Rốt cuộc não của chúng ta được cấu tạo để thích ứng với những thay đổ ấy.
Nhà thần kinh học Michael Merzenich nói: "Nó (bộ não) được cấu trúc để thay đổi. Nó sẽ thay đổi".
Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng hơn là vậy thì sự thay đổi đó là tốt hay xấu.
Biểu đồ cho thấy số lượt tìm kiếm trung bình mỗi ngày (thống kê theo năm) bằng Google (đơn vị tính bằng tỉ lượt) - Nguồn: Moz Get the data
Thay đổi có tốt hơn?
Nhà khoa học Benjamin Storm, chủ trì nghiên cứu nói trên chia sẻ: "Dường như có thực tế khá rõ ràng là trí nhớ của chúng ta đang thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó có theo chiều hướng tốt hơn không thì tại thời điểm này chúng tôi không biết".
Trên thực tế, quan điểm về vấn đề này vẫn có những chia rẽ. Một số người cho rằng điều đó là tích cực, bởi con người không còn phải học vẹt nữa và dành tài nguyên não bộ cho những lao động trí óc quan trọng hơn.
Tuy nhiên, những người như ông Nicholas Carr, tác giả cuốn Internet đang làm gì với bộ não của chúng ta thì không lạc quan như vậy.
Khi lệ thuộc vào Internet như một "ổ cứng ngoài" của trí nhớ, chúng ta đang đánh mất khả năng nhận thức và thẩm thấu các vấn đề nghe, đọc và thấy hàng ngày để đưa vào trí nhớ lâu dài, những yếu tố "rất trọng yếu đối với việc tạo ra kiến thức và trí tuệ
Nicholas Carr
Chưa kể là theo ông: "Hàng chục nghiên cứu của các nhà tâm lý học, thần kinh học và các nhà giáo dục đã có cùng một kết luận: khi chúng ta lên mạng, chúng ta gia nhập vào một môi trường cổ vũ việc đọc lướt, suy nghĩ vội vàng, hấp tấp và một kiểu học nông cạn, hời hợt".
Trong khi còn rất nhiều nghiên cứu về hệ quả của vấn đề này vẫn đang được tiến hành, có lẽ hệ lụy của nó không đến nỗi quá nghiêm trọng như nhiều người lo ngại.
Tác giả chuyên viết về công nghệ Clive Thompson cho rằng, trước khi có Internet, từ rất lâu rồi con người đã có những cách tìm kiếm hỗ trợ cho trí nhớ bằng các phương tiện có chức năng giống như "ổ cứng ngoài" mà theo ông đó là sách, giấy, các tờ giấy nhắc việc.
Do đó theo ông Thompson, bản chất của hành động này là không đổi, chỉ có điều phương tiện giúp họ thực hiện việc đó đã thay đổi. Giống như việc đi từ những tờ giấy dán nhắc việc cho tới các thiết bị điện tử tinh vi hơn như một chiếc iPhone.
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết!
Nha thân tặng bộ source code blog này cho những ai quan tâm.
D. KIM THOA
TTO